Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Chiều ngày 19.5.2020, trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH). Đoàn công tác trường ĐHNL, ĐHH gồm các thầy trong Ban thường vụ, Ban giám hiệu, trưởng các khoa và phòng KHCN, HTQT và TTTV do PGS.TS. Trần Thanh Đức, hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn dưới sự tham gia chỉ đạo của Ban giám đốc Đại học Huế: PGS.TS. Nguyễn Quang Linh – Giám đốc; PGS.TS. Huỳnh Văn Chương – PGĐ ĐHH.

Về phía lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ông Nguyễn Văn Phương – UVBTV, Phó Chủ tịch, Ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh TTH cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, chi cục.

Không khí buổi làm việc

Mục đích của buổi làm việc là tăng cường hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN), củng cố và nâng cao vai trò của Nhà trường trong công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn tại tỉnh TTH. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, BTĐU, GĐ ĐHH đã đánh giá cao sự cố gắng của trường ĐHNL và sự đồng hành của tỉnh TTH. Theo PGS. trong thời gian đến các trường thành viên khác của ĐHH cũng sẽ có các cuộc làm việc với tỉnh TTH. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, BTĐU trường ĐHNL mong muốn sau cuộc làm việc giữa Nhà trường và UBND tỉnh, hai bên sẽ có 01 chương trình hành động cụ thể về hợp tác NCKH và CGCN.

Ban giám đốc ĐHH: PGS.TS. Nguyễn Quang Linh (Giữa) – GĐ; PGS.TS. Huỳnh Văn Chương (bên trái) – Phó GĐ
PGS.TS. Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng nhà trường

PGS.TS. Lê Đình Phùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trình bày về tiềm lực KHCN của Nhà trường, các nhiệm vụ KHCN nổi bật của Nhà trường đã thực hiện tại tỉnh TTH. Trong 5 năm qua, Nhà trường đã thực hiện 40 nhiệm vụ khoa học trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị của Nhà trường đã có đóng góp tích cực cho công cuộc xoá đói giảm nghèo trước đây và ngày nay là NCKH và CGCN như Khoa Thuỷ sản, Khoa Nông Học, Khoa Chăn Nuôi Thú Y, Khoa Cơ Khí và Công Nghệ… và đặc biệt là Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Miền Trung đã triển khai 95 nhiệm vụ với kinh phí gần 100 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, các nhiệm vụ KHCN còn đơn lẻ, chưa tạo thành chuổi, chưa gắn kết nhiều với thị trường, chưa giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống.

 Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của Nhà trường, lợi thế cạnh tranh của tỉnh TTH, PGS.TS. Lê Đình Phùng đã thay mặt lãnh đạo nhà trường đề xuất 30 nhiệm vụ KHCN khác nhau và 10 chương trình KHCN nhằm phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các chương trình trọng điểm như phát triển các sản phẩm thuỷ sản đặc trưng như cá Dìa, cá Nâu, cá Ong Bầu… của vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai gắn với khôi phục sinh thái và phát triển du lịch cộng đồng; Áp dụng tiến bộ KHKT vào công nghệ chế biến và bảo quản nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng tại TTH như ThanhTrà, Sen Huế, Gạo đặc sản..; Xây dựng và phát triển dược liệu đặc trưng TTH; Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao… Các chương trình này tiếp cận theo chuỗi, hướng đến người tiêu thụ, hướng đến thị trường, từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Sau khi nghe bản trình bày, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành như Sở NN và PTNT, sở KHCN, Sở KHĐT, Sở Tài Chính đã đánh giá cao sự đóng góp của Nhà trường vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội của tỉnh TTH trong thời gian qua. Các đề xuất nhiệm vụ KHCN cũng như các chương trình mà Nhà trường đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh TTH. Lãnh đạo các Sở Ban ngành cũng đã đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh TTH về tăng cường hợp tác với Nhà trường.

Ông Phan Thiên Định – Phó CT UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Phan Thiên Định – Phó chủ tịch UBND tỉnh TTH bày tỏ sự cần phải có biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên. Đồng thời phải có kế hoạch cụ thể theo hàng năm như: Tham vấn các chính sách; NCKH theo đặt hàng; Hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư trong nước; Hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp.

PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng nhà trường

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng trường ĐHNL, ĐHH nhận định những tiềm năng trong nông nghiệp của tỉnh nhà. PGS.TS hy vọng trong thời gian tới, trường ĐHNL được tiếp tục giao nhiệm vụ, tham gia đề xuất ý tưởng. PGS cho rằng sắp tới cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo đề án tái cấu trúc của tỉnh, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm chủ yếu, có thương hiệu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, PGS.TS cũng mong muốn được hợp tác với tỉnh nhà trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho nông dân như đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao năng lực cho đội ngũ của địa phương, đào tạo nghề trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phương, UVBTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh TTH

Ông Nguyễn Văn Phương, UVBTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh TTH đã đánh giá cao sự đóng góp của Nhà trường và kết luận giao cho Sở NN và PTNT phối hợp với các Sở Ban ngành khác đặc biệt là Sở KHCN, và Nhà trường xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trong 5 năm. Bản kế hoạch đề cập cụ thể các nhiệm vụ, các sản phẩm, các đặt hàng của tỉnh với Nhà trường, bản kế hoạch cũng đề cập những đóng góp của Nhà trường nói riêng, của ĐHH nói chung; định kỳ 6 tháng một lần sẽ có cuộc làm việc giữa tỉnh và Nhà trường để đánh giá, giám sát các hoạt động triển khai cũng như đề xuất kế hoạch hành động tiếp theo.

10 sự kiện nổi bật năm 2018

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế công bố các sự kiện nổi bật trong năm 2018 (theo Thông báo số 63/TB-ĐHNL ngày 11.03.2019) như sau:

Sự kiện 1: Phát triển chương trình đào tạo mới theo nhu cầu xã hội và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo

Trao bằng cho các tân Thạc sĩ (22.12.2018)

Mở thêm được 03 chương trình đào tạo bậc Đại học: Bất động sản; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng và tiếp nhận thêm 01 chương trình: Kỹ thuật trắc địa – Bản đồ. Mở mới 01 chương trình đào tạo cao học chuyên ngành Lâm học bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá 04 chương trình đào tạo gồm: Quản lý đất đai, Nuôi trồng thủy sản, Lâm nghiệp, Khoa học cây trồng.

Sự kiện 2: Cơ hội việc làm cho sinh viên

Ngày hội việc làm diễn ra thường niên (12.05.2018)

Trong suốt thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2018, nhiều hoạt động giới thiệu việc làm được thực hiện, cao điểm là ngày Hội việc làm lần thứ 5 của Nhà trường được tổ chức vào ngày 12/5/2018 với sự tham gia của hơn 40 tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước với tổng 2.050 chỉ tiêu tuyển dụng trên tất cả 30 ngành/chuyên ngành đang được đào tạo tại trường; trung bình mỗi sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp có đến 2 cơ hội việc làm. Kết quả khảo sát của phòng Công tác sinh viên, trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp tỷ lệ sinh viên của Nhà trường có việc làm là 92%.

Sự kiện 3: Hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Ký kết mở ra hướng hợp tác, phát triển về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng thực tiễn giữa trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (21.12.2018)

Các hoạt động nổi bật: Tăng cường gắn kết giữa Nhà trường và xã hội như hợp tác đào tạo cho công ty cổ phần Greenfeed, Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn BIM; Ngày hội định hướng nghề nghiệp ở các khoa Khoa Cơ khí – Công nghệ, khoa Chăn nuôi – Thú y, Khoa Thủy sản; Doanh nghiệp tham gia đánh giá chất lượng đào tạo (hội đồng bảo vệ khóa luận ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch…) để tuyển dụng; Ký kết hợp tác thêm nhiều công ty, doanh nghiệp để mở rộng học kỳ doanh nghiệp.

Sự kiện 4: Đổi mới sáng tạo khoa học và khởi nghiệp

Giải nhất “Sản xuất chế phẩm xạ khuẩn” tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp sinh viên năm 2018” (30.12.2018)

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp sinh viên 2018” đã thu hút 88 ý tưởng với hơn 300 sinh viên tham gia tăng gấp 5 lần năm 2017 và đã tạo nên hiệu ứng lớn trong sinh viên toàn trường về kiến thức, kỷ năng và thái độ đổi mới sáng tạo khoa học và khởi nghiệp. Ý tưởng “Sản xuất chế phẩm xạ khuẩn” (Khoa Thủy Sản) đã xuất sắc giành giải nhất. Có 5 doanh nghiệp cam kết tài trợ kinh phí thực hiện các ý tưởng đạt giải khác. Dự án “Leafpic – Phần mềm xác định thiếu thừa đạm trên cây trồng trên smartphone” (Khoa Nông học) tham dự và đã đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc năm 2018.

Sự kiện 5: Thương mại hóa các sản phẩm mang thương hiệu HUAF và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật có những kết quả tích cực

Trà Hoa sen Huế – Một sản phẩm từ dự án sản xuất thử nghiệm cấp trường

Các dự án sản xuất thử nghiệm cấp trường và các đề tài khoa học các cấp, dự án quốc tế đã tạo ra các sản phẩm thương mại có uy tín trên thị trường như: Trà hoa sen Huế; Măng muối chua; Nấm ăn và nấm dược liệu; Cá giống (cá dìa, cá ong bầu, cá rô đầu vuông); Giống hoa chuông; Tinh bột nghệ; Sữa gạo. Nhiều quy trình công nghệ được chuyển giao điển hình như: 5 quy trình chăn nuôi bò cho tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị; 7 quy trình sản xuất giống lúa, ớt và bảo quản chế biến đạt tiêu chuẩn Vietgap; Chuyển giao công nghệ và thiết bị lò đốt sản xuất than sinh học; Công nghệ để bảo quản dược liệu, chế biến trà túi lọc (Dây thìa canh, Cà gai leo) và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Sự kiện 6: Tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ và xuất bản quốc tế

Giải thưởng Sáng tạo Khoa công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2018 (17.11.2018)

Số lượng xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus tăng đạt số lượng trên 45 bài. Nhiều nhóm nghiên cứu được hình thành có gắn kết giữa các đơn vị trong trường, ngoài trường và quốc tế. Nhiều nhóm nghiên cứu, cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2018 và đã đạt được thành tích rất nổi bật: 3 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, và 3 giải khuyến khích; 01 giảng viên đạt giải thưởng Kovalevskaia dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc (8/3/2018).

 Sự kiện 7: Hợp tác quốc tế phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực và tiếp tục có đóng góp lớn cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ chất lượng cao

Kỷ niệm 12 năm hợp tác và 10 năm mở Văn phòng Đại học Kyoto tại Huế

Hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật được tổ chức tại trường như: Kỷ niệm 12 năm hợp tác và 10 năm mở văn phòng Đại học Kyoto, Nhật Bản tại Huế; Các hội thảo quốc tế như: “Hợp tác nghiên cứu và mạng lưới hoạt động về sự ổn định và phát triển lúa nếp trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 5”, “Thúc đẩy sử dụng vắc xin trong nuôi trồng thuỷ sản”, “Vi khuẩn Streptococcus nhóm B trong thủy sản và trên người”. Tổ chức cho 115 sinh viên đi thực tập nghề nghiệp tại Nhật Bản, Đan Mạch, Isarel; và hàng trăm sinh viên đi thực tập tại nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước. Các hoạt động HTQT này đã khẳng định vị thế của nhà trường trên trường quốc tế.

Sự kiện 8: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành

Giao diện ứng dụng thu học phí trực tuyến thông qua cổng thanh toán VNPay.

Trang thông tin điện tử tại địa chỉ huaf.edu.vn của trường đạt 10 triệu lượt truy cập sau 10 năm hoạt động (2008-2018). Cùng với đó, Cổng thông tin điện tử mới cũng đã được đưa vào vận hành ổn định góp phần quảng bá tốt thương hiệu nhà trường. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm trực tuyến, nhiều chức năng mới được đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao như: Thu học phí trực tuyến; Thư viện số; E-learning; Quản lý tài sản; Tư vấn tuyển sinh trực tuyến.

Sự kiện 9: Phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện

Khánh thành trang trại trồng rau thủy canh công nghệ cao (24.4.2018)

Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật được đầu tư, đặc biệt tại các cơ sở thuộc Viện Nghiên cứu phát triển, như: nhà màng trồng rau công nghệ cao với diện tích hơn 1000m2 và hệ thống cấp nước tại Trung tâm nghiên cứu thực hành giống cây trồng Tứ Hạ. Với kinh phí từ nguồn xã hội hóa, khoa Chăn nuôi – Thú y cũng đã xây dựng và hoàn thiện khu chăn nuôi công nghệ cao tại trại thực hành, thí nghiệm Thủy An. Nhờ đó đã có hơn 2000 lượt sinh viên đến học tập, nghiên cứu, có 8 nhóm giáo viên đến triển khai các nghiên cứu tại Viện và tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu HUAF. Cùng với đó, nhà khách chuyên gia và giảng đường E đã được đưa vào sử dụng, cảnh quan trường ngày càng xanh sạch đẹp.

Sự kiện 10: Tái cấu trúc bộ máy quản lý, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện đề án vị trí việc làm có hiệu quả

Hiệu trưởng tặng hoa cho các tân Tiến sĩ (20.11.2018)

Nhà trường đã sáp nhập Phòng Đào tạo đại học và Phòng Đào tạo sau đại học thành Phòng Đào tạo. Sáp nhập một số đơn vị trực thuộc các Khoa, thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và phát triển hợp tác, Trung tâm tin học theo cơ chế tự chủ. Năm 2018 đã có thêm 9 giảng viên được cấp bằng tiến sĩ, 3 chuyên viên chính. Hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm giai đoạn 2019-2021 theo hướng tinh gọn, hiệu quả hướng đến tự chủ.

Thông báo Điều chỉnh lịch thi tuyển sinh đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học và văn bằng hai hệ chính quy, năm 2018

Trường Đại học Nông Lâm Huế điều chỉnh ngày thi tuyển sinh liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học và Văn bằng hai hệ chính quy năm 2018 như sau:

  1. Thời gian thi: ngày 29 và 30/9/2018.
  2. Hạn nộp hồ sơ: nộp hồ sơ đăng ký dự thi đến hết ngày 21/9/2018.
  3. Thí sinh xem danh sách dự thi tại website http://huaf.edu.vn và tại phòng Đào tạo đại học từ ngày 25/9/2018.
  4. Địa điểm thi: tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, địa chỉ số 102 đường Phùng Hưng, phường Thuận Thành, thành phố Huế.

Mọi thông tin liên hệ qua phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm, điện thoại: 0234.3537757, 0234.3538032.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại link: http://vanban.huaf.edu.vn/index.php?nv=archives&op=view/208-TB-DHNL-677

X